Cách dạy con ngoan từ bé luôn là một trong vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Vì những biểu hiện ngỗ ngược và ngang bướng của bé sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn, nếu như cha mẹ không có cách rèn giũa trẻ ngay từ nhỏ. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng roi vọt không thể dạy được một đứa trẻ ngoan. Những đau đớn về thể chất và tổn thương tâm lý khi bị đánh đòn sẽ ám ảnh các con tới khi trưởng thành. Và, nếu bạn đang thắc mắc làm thế nào để không làm con đau mà vẫn dạy con tốt, thì bài viết này chính là dành cho bạn.
Bạn đang đọc: 14 cách dạy con ngoan từ bé cực hữu hiệu mẹ hãy tham khảo ngay
Contents
- 1 1. Bố mẹ cần biết kiểm soát cảm xúc của bản thân
- 2 2. Học cách thấu hiểu
- 3 3. Giúp đỡ con khi thực sự cần thiết
- 4 4. Hãy nhớ rằng sự tốt bụng là một phép màu
- 5 5. Hướng dẫn trẻ cách sửa sai
- 6 6. Phương pháp “5 phút thủ thỉ” – Cách dạy con ngoan từ bé
- 7 7. Bố mẹ đừng bao giờ tiết kiệm lời yêu thương với con cái
- 8 8. Phê bình con cần sự nhẹ nhàng
- 9 9. Hãy thường xuyên tâm sự với con
- 10 10. Học nhận lỗi, biết ơn và tôn trọng
- 11 11. Đừng bao giờ so sánh trẻ với những đứa trẻ khác
- 12 12. Hãy công bằng với mọi đứa trẻ trong gia đình
- 13 13. Không nên quá chiều chuộng con
- 14 14. Dành nhiều thời gian ở bên con
1. Bố mẹ cần biết kiểm soát cảm xúc của bản thân
Những đứa trẻ thường được ví như một tờ giấy trắng, và bạn sẽ là người tô vẽ nên những gam màu cho con. Do đó, đừng hành động nóng vội khi đang tức giận hay chán nản. Hãy hít thở thật sâu và đợi đến khi bạn bình tĩnh hơn và làm chủ được tình hình. Vì những gì bạn thể hiện, con bạn cũng sẽ lấy đó làm gương và coi đó là chuyện hiển nhiên, lâu dần sẽ tạo ra một đức tính không tốt ở trẻ. Bên cạnh đó, khi đối mặt với những rắc rối do con gây nên, ba mẹ cần học cách tự kiềm chế, giữ lý trí và suy nghĩ thật tỉnh táo. Dù cho có lúc rất bực tức thì cha mẹ cũng cần tự hỏi: “Liệu con có sai không?”, “Mình sai ở chỗ nào”, hay ” Phải có chuyện gì xảy ra con mới hành động như vậy” Nếu như không kiềm chế được mà đánh hay dùng những từ ngữ không tốt với con thì sẽ dẫn tới thất bại trong việc giáo dục con cái.
2. Học cách thấu hiểu
Có một điều ba mẹ cần phải hiểu rằng, khi trẻ nóng giận thì chúng sẽ không thể học được gì cả. Thay vì cố gắng giảng giải, bạn hãy đưa chúng đến một nơi yên tĩnh, giúp con bình tĩnh lại, đừng coi đây là một hình phạt mà con phải chịu, mà đây chính là một cơ hội để bạn hiểu con hơn. Nếu trẻ vẫn tỏ ra sợ hãi và hoảng sợ, đừng cố giải thích và chì triết về lỗi lầm của con. Thay vào đó, bạn hãy tạo cho trẻ một cảm giác an toàn và được yêu thương. Sau khi con cảm thấy bình tĩnh hơn, bạn có thể gần gũi con và nói cho con hiểu vấn đề.
3. Giúp đỡ con khi thực sự cần thiết
Chỉ giúp đỡ con khi thực sự cần thiết. Rất nhiều bậc phụ huynh đang phạm sai lầm ở điều này, bạn làm tất cả mọi thứ để giúp đỡ con, nhưng điều này vô tình tạo cho con thói quen ỷ lại và nhút nhát trước những tình huống mới. Hãy tạo thói quen tự lập cho con ngay từ nhỏ, lấy ví dụ như việc tập ngồi bô, bạn sẽ phải giúp con ở những lần đầu, và khi con đã làm nhiều lần, chúng sẽ tự tin hơn và có thể tự làm. Lúc này bạn có thể tạo thêm động lực cho con bằng những lời khen, những câu khích lệ. Điều này cũng tương tự như khi bạn dạy con nói lời Cảm ơn, Đợi đến lượt, Không làm quên đồ, Làm bài tập về nhà và nhiều điều khác nữa. Tạo thói quen và tự lập là một điều rất quan trọng giúp trẻ có những khung hướng dẫn xây dựng những kỹ năng cơ bản, giúp hình thành tính cách sau này. Đôi lúc, bạn có thể nổi điên với việc trẻ liên tục quên áo khoác hay mè nheo về chuyện nhờ giúp đỡ,… nhưng hãy nhớ rằng việc la mắng không giúp trẻ ghi nhớ mà chỉ khiến trẻ chán ghét với việc làm đó hơn.
4. Hãy nhớ rằng sự tốt bụng là một phép màu
Hãy dạy cho con rằng, khi con tốt bụng, điều đó chính là một phép màu. Nhưng trước hết, bạn phải trở nên tốt với chính mình, vì bạn không thể là những người cha mẹ giàu tình thương nếu bạn không yêu chính bản thân mình. Hơn thế nữa, con của bạn có thể sẽ hành động như những gì chúng thấy từ bố mẹ. Do vậy, hãy bắt yêu thương bản thân ngay từ hôm nay nhé! Một điều giúp những đứa trẻ trở nên tốt bụng hơn đó là nuôi thú cưng, khi con cảm thấy có trách nhiệm với một điều gì đó, con cũng sẽ làm điều tương tự với mọi người xung quanh. Nhưng cha mẹ hãy nhớ rằng, những điều ngược đãi động vật, không phải là điều một đứa trẻ tốt bụng nên làm.
5. Hướng dẫn trẻ cách sửa sai
Khi con có một hành động sai nào đó, chúng cũng có những lí do riêng. Lúc đó, điều bạn cần làm đó là quan sát xem có phải trẻ đang cáu vì thiếu ngủ hay vì một lí do nào đó không. Ví dụ như việc bạn dùng khăn giấy lau sạch sữa đổ của con, không phàn nàn và không tạo cho con cảm giác xấu hổ. Sau đó, hãy trò chuyện với con một cách nhẹ nhàng để tìm hiểu nguyên nhân hoặc cho trẻ thời gian riêng để khóc và giải phóng cảm xúc xáo trộn bị kìm nén. Sau khi trẻ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trên, chúng sẽ hiểu ra và dừng những hành vi sai trái, đừng cố tỏ ra là con làm sai, điều này chỉ càng làm cho trẻ trở nên tự ti và tiếp tục hành động không đúng.
Hãy hướng dẫn trẻ bài học này thật sớm để con có thể truyền tải những thông điệp của bản thân một cách dễ dàng và ít phạm sai lầm nhất. Khi trẻ lớn hơn, chúng sẽ học được cách bình tĩnh khi xử lý những cơn cáu giận.
6. Phương pháp “5 phút thủ thỉ” – Cách dạy con ngoan từ bé
Mỗi buổi tối trước khi con đi ngủ, chính là thời điểm tuyệt vời để cha mẹ thể hiện tình cảm với con. Đặc biệt khi bạn đã xa con cả một ngày dài, hãy dành một ít phút vào buổi tối để gắn kết tình thương. Theo nghiên cứu khoa học, lúc chập chờn vào giấc ngủ, mọi thông tin trẻ nghe sẽ được lưu giữ hoàn toàn vô thức vào não bộ. Các nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản như Shichida, Ibukai Masaru cũng khuyên rằng cha mẹ hãy ru ngủ cho con bằng bài hát, đọc ehon, trò chuyện hay nói về những gì mình muốn khuyên con sẽ có hiệu quả rất lớn.
Mục đích của phương pháp này là dùng những lời lẽ yêu thương, những mong muốn tích cực bạn dành cho con, giúp điều chỉnh những nét tính cách không tốt, đồng thời giúp cải thiện chức năng não bộ và trí nhớ của con, thay đổi đứa trẻ nổi loạn thành đứa trẻ biết vâng lời, biến đứa trẻ thiếu tự tin thành đủa trẻ tự tin đầy nhiệt huyết. Bố mẹ có thể thủ thỉ với con về tình yêu thương, về tình cảm của cả gia đình, về những mong muốn của bạn về con, những lợi ích khi con cố gắng,…. hay bất cứ những điều tâm sự của bạn và của con.
7. Bố mẹ đừng bao giờ tiết kiệm lời yêu thương với con cái
Mọi điều xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim, bố mẹ nhớ nhé, vì trẻ con cần và xứng đáng được nghe lời yêu thương từ bố mẹ hàng ngày. “Ba/mẹ yêu con” là câu nói con bạn muốn nghe hơn bất cứ điều gì, hãy kèm theo một cái ôm/ hôn thì bạn sẽ nhận được nhiều hơn như thế. Những đứa trẻ thường xuyên nhận được những lời yêu thương từ chính những người thân trong gia đình, chúng sẽ sống rất tình cảm và không ngại việc bày tỏ yêu thương này đến bạn. Nếu mỗi ngày bạn cũng nhận được những lời “tỏ tình” từ bé: “Con yêu ba/mẹ lắm”, bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt đúng không?
8. Phê bình con cần sự nhẹ nhàng
Có rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng khi phê bình con thì phải dùng những lời lẽ thật nặng nề thì mới tạo được tính giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên càng phê bình gay gắt, hiệu quả càng hạn chế. Nếu trẻ làm việc gì đó không thành mà bố mẹ không động viên lại mặc kệ hay mắng trẻ “Con thật là kém cỏi”/ “Con không biết làm gì cả”, “Con đúng là hết thuốc chữa”, “Con thật là khó dạy”… sẽ khiến bé dễ nản lòng và từ bỏ ngay khi con còn có thể cố gắng. Điều này lâu dần sẽ tạo ra thói quen xấu và cảm giác mình thật kém cỏi như những lời ba mẹ nói. Thay vì thế, bạn hãy ngồi xuống bên con và khuyến khích: “Con thử làm lại xem”/ “Con thử lắp miếng này vào nhé”!, “Con sẽ làm được, cố lên nào” Chắc chắn bé sẽ vui vẻ bắt tay trở lại và hoàn thành tốt công việc dang dở. Muốn trẻ nghe lời và có quyết tâm thì bên cạnh việc tôn trọng con bằng cách luôn lắng nghe những tâm sự, ý kiến của con, cha mẹ còn cần phải biết cách đưa ra những lời phê bình công bằng và hợp lý.
Bên cạnh đó, dù bận rộn đến đâu thì ba mẹ cũng nên dành thời gian cùng con học hỏi. Bởi khi có sự đồng hành của cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy có động lực và an toàn hơn. Ba mẹ có thể cùng con học đếm, học chữ cái, chơi các trò chơi xếp hình, vẽ tranh,… để kích thích sự phát triển về trí não của trẻ cũng như khơi gợi khả năng tiềm ẩn của các con.
Tìm hiểu thêm: Tâm lý trẻ 9 tuổi và những cột mốc phát triển cha mẹ cần biết
9. Hãy thường xuyên tâm sự với con
Khi những đứa trẻ lớn lên, những lời tâm sự cũng thường xuyên thưa dần. Đây chính là điều thiệt thòi lớn đối với con. Bạn hãy thử nghĩ xem, nếu bạn mệt, con đến bên và ôm lấy bạn rồi hỏi, “Mẹ ơi, mẹ có mệt nhiều không?”. Ắt hẳn sự quan tâm ấy của con là một liều thuốc bổ khiến mệt mỏi sẽ vơi đi nhiều đúng không nào? Tại sao, chúng ta không làm điều ngược lại với bé yêu của mình, hãy luôn tạo cảm giác tuyệt vời cho con khi được ở gần chúng ta, ba mẹ nhé!
Cũng tương tự như thế, những câu hỏi như “Hôm nay con đi học có gì vui, kể với bố/mẹ nghe nào?” hoặc “Con đang có chuyện gì buồn ư?”,… luôn là cách tốt nhất để trẻ cảm thấy mình được quan tâm và biết rằng, nhà luôn là nơi để dựa vào.
10. Học nhận lỗi, biết ơn và tôn trọng
Nếu bạn muốn con mình lễ phép thì chính cha mẹ phải là người có phép tắc trước đã. Hãy luôn nói lời cảm ơn và xin lỗi đối với con, điều này sẽ hình thành nên một thói quen nhận lỗi và biết ơn ở trẻ đối với tất cả mọi người, dù là nhỏ hơn mình. Bên cạnh đó, khi trẻ đang tập trung hay có hứng thú làm gì thì ba mẹ không nên ngắt giữa chừng mà cứ để trẻ làm, việc cắt ngang khi trẻ đang tập trung là điều “tối kỵ” dù lúc đó là chuẩn bị ăn cơm. Bởi khi bạn mang tới cho trẻ sự tôn trọng thì chính bạn cũng sẽ nhận lại được sự tôn trọng từ trẻ. Vì vậy, khi thấy con chăm chú vẽ một bức tranh hay xây một tòa tháp đồ chơi, bạn hãy thử im lặng quan sát thay vì mở lời khen ngợi. Sau đó, bạn có thể ghi nhớ khoảnh khắc đó để nhắc lại vào lúc khác, khích lệ con vì sự tập trung vào tác phẩm của mình.
11. Đừng bao giờ so sánh trẻ với những đứa trẻ khác
Việc so sánh trẻ với những đứa trẻ khác bao giờ cũng sẽ làm chúng mất tự tin, nhút nhát và không muốn cố gắng. Khi những điều này xảy ra trẻ sẽ có cảm nhận rằng bố mẹ không yêu thương, không công nhận sự cố gắng của mình. Từ đó, chúng dễ hình thành tâm lý tự ti, buồn bã và chán nản. Thay vì so sánh, ba mẹ hãy động viên và công nhận những thành quả mà trẻ đã tạo nên, ngay cả đôi khi các con thất bại. Hãy tạo động lực cho con bằng những câu nói khích lệ như “Ba/mẹ biết con đã làm hết sức mình”, “Con làm tốt lắm!”,… giúp trẻ tự tin và hoàn thành tốt những mục tiêu của mình. Một điều lưu ý cho các bậc cha mẹ rằng, mặc dù con có làm sai và xếp thứ hạng bao nhiêu trong lớp, thì hãy luôn tạo cho con một niềm tin rằng, chỉ cần con còn cố gắng, ba mẹ sẽ luôn ở đây, cạnh bên con và ủng hộ con bằng bất cứ giá nào.
12. Hãy công bằng với mọi đứa trẻ trong gia đình
Khi bạn có nhiều hơn một đứa con, thì cách dạy con của bạn cũng sẽ phải thay đổi. Mỗi đứa trẻ sẽ có một tính cách riêng, bạn không thể cứ áp dụng cách dạy của anh lớn cho đứa con út trong nhà hoặc con út sẽ được nuông chiều nhiều hơn. Chẳng hạn như, khi những đứa trẻ của bạn tranh giành đồ chơi với nhau, hãy công bằng với tất cả. Ví dụ, trong trường hợp em trai muốn có đồ chơi của anh, ba mẹ hãy dạy trẻ biết cách xin phép anh để chơi, không nên can thiệp, bênh vực và bảo rằng anh trai phải nhường cho em. Chính sự công bằng của bạn sẽ giúp các con cảm thấy mình được yêu thương và chăm sóc như nhau, giúp trẻ tránh cảm giác mặc cảm, tự ti khi lớn lên.
Bên cạnh đó, việc tạo ra sự bình đẳng giữa ba mẹ và con cái cũng là điều hết sức quan trọng. Không nên làm tổn thương tình cảm của con bằng những lời nói thiếu tôn trọng như việc thiết lập uy quyền khiến cho con cái nể sợ. Thay vào đó, bạn hãy nói “Ba/ mẹ nghĩ…” khi bày tỏ ý kiến và đánh giá của mình trước con cái. Điều này, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và vui vẻ tiếp thu những gì người lớn chỉ bảo, không cần tới đòn roi.
13. Không nên quá chiều chuộng con
Khi cha mẹ quá nuông chiều sẽ khiến cho trẻ thiếu khuôn phép, không hiểu lễ độ và vượt quá giới hạn trong hành vi của mình. Rất nhiều đứa trẻ có hành vi ngang ngược và không nghe lời chỉ vì cha mẹ đã không kịp thời uốn nắn con từ nhỏ. Chỉ để đến khi những thói quen xấu đã hình thành mới điều chỉnh, lúc đó việc dạy con ngoan trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế, bố mẹ cần cho trẻ có cơ hội được vấp ngã, thất bại. Trải qua những sai lầm, trẻ sẽ học cách lắng nghe cha mẹ nhiều hơn. Không những thế còn giúp trẻ học được cách đối mặt với những rắc rối thường ngày.
Bên cạnh đó, việc bạn khen trẻ quá lời dần dần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng mình làm gì cũng đúng, không cần nghe lời người lớn nữa. Chính vì vậy, hãy luôn trân trọng sự cố gắng của con, nói lời động viên khi con làm đúng nhưng đừng bao giờ nói với con “Con là số một”, “Con giỏi nhất” hoặc bênh con một cách thái quá trước nhiều người.
14. Dành nhiều thời gian ở bên con
Và điều quan trọng nhất trong các cách dạy con của bạn đó là dành nhiều thời gian cho con. Đừng vì bận kiếm tiền, bận sự nghiệp, bận bạn bè và giao tiếp xã hội mà ít khi quan tâm con cái. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và dần dần không nghe lời cha mẹ. Bạn hãy luôn nhớ rằng, sự lớn lên lành mạnh của trẻ không chỉ phụ thuộc vào cuộc sống vật chất có đầy đủ hay không mà phần nhiều ảnh hưởng bởi sự thấu hiểu, chia sẻ và tình yêu thương của cha mẹ. Cũng như khi trồng một cái cây, bạn phải bỏ ra thật nhiều thời gian tưới nước và chăm sóc, chúng mới có thể ra quả ngọt. Chính vì thế hãy dành thời gian để ở bên con cái nhiều hơn nhé!
>>>>>Xem thêm: Cách lựa đồ chơi phát triển trí thông minh trẻ sơ sinh hay như mẹ Nhật
Các cách dạy con ngoan ngay từ bé không thể chỉ đọc 1, 2 bài viết là bạn đã có thể nắm rõ. Vì dạy con là cả một quá trình dài cần rất nhiều thời gian, tình yêu và trách nhiệm. Hy vọng với những phương pháp hữu ích trên sẽ giúp cha mẹ lựa chọn được cách dạy con hiệu quả mà không cần phải sử dụng đến đòn roi và la mắng . Chúc cha mẹ nuôi dạy con thành công và hãy luôn đồng hành với Blogtretho.edu.vn để biết thêm thật nhiều kinh nghiệm thú vị khác nữa nhé.
Hiền Anh tổng hợp