Lên kế hoạch có con năm 2020 hẳn vẫn đang còn là một chủ đề rất nóng với nhiều gia đình. Nhất là, những cặp đôi mong muốn có một em bé chuột vàng thì điều này càng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Để giúp bạn nhanh chóng thực hiện được ước muốn một cách suôn sẻ, thuận lợi và tốt đẹp, Blogtretho.edu.vn đã tổng hợp 12 bước cần chuẩn bị mà cặp đôi nào cũng nên tham khảo qua.
Bạn đang đọc: 12 bước lên kế hoạch có con năm 2020 dành cho mọi cặp đôi
Contents
- 1 1. Lên kế hoạch có con năm 2020 với bước xem xét về tài chính
- 2 2. Xem xét về thời gian, công việc và sự nghiệp
- 3 3. Kiểm tra sức khỏe, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng kỹ lưỡng
- 4 4. Ngưng các biện pháp tránh thai
- 5 5. Bổ sung acid folic – điều cực kỳ quan trọng trong kế hoạch có con
- 6 6. Thay đổi thói quen sinh hoạt
- 7 7. Ngưng hút thuốc
- 8 8. Ngưng uống rượu và dùng các thực phẩm có chứa caffeine
- 9 9. Cải thiện chế độ dinh dưỡng
- 10 10. Không thức khuya
- 11 11. Nói không với stress và tập thể dục đều đặn
- 12 12. Tích cực yêu – lên kế hoạch có con năm 2020 không thể thiếu điều này
1. Lên kế hoạch có con năm 2020 với bước xem xét về tài chính
Xem xét về tài chính trước khi có em bé là vấn đề nhiều cặp vợ chồng bỏ ngỏ hoặc tính toán khá sơ sài. Đây là một thực tế gây ra nhiều vấn đề cho không ít các cặp đôi. Vì, những khó khăn nảy sinh từ tài chính họ chỉ thấy rõ khi đã mang thai và sinh em bé, thậm chí là khoảng thời gian nuôi con ở năm đầu hoặc 3 năm đầu tiên.
Theo các chuyên gia tài chính, xem xét để có một kế hoạch tài chính rõ ràng chuẩn bị đón thành viên mới trong gia đình là điều nhất định bạn cần thực hiện và không nên xem nhẹ. Lý do đơn giản nhất là khi tài chính được chuẩn bị hoặc có kế hoạch rõ ràng, vợ chồng bạn có nhiều thời gian để chăm sóc thai kỳ và chăm sóc con khi bé ra đời.
Khi lên kế hoạch có con năm 2020, bạn có thể xem xét vấn đề tài chính của mình như:
- Tổng thu nhập của hai bạn là bao nhiêu, chi dùng bao nhiêu cho cuộc sống khi có 2 người, khoản để chuẩn bị cho thành viên mới có thể là bao nhiêu.
- Tài chính của bạn có thể chuẩn bị được những gì cho kế hoạch có con từ khi chuẩn bị mang thai, mang thai, sinh con và chăm sóc em bé tối thiểu ở 6 tháng sau sinh, cho đến khi mẹ sau sinh có thể trở lại công việc.
- Tài chính của bạn có thể chuẩn bị thêm cho giai đoạn gửi bé nhà trẻ hoặc đến khi con lên mấy tuổi.
- Tài chính của bạn có thể để dành được một khoản nhất định làm quỹ dự phòng cho những trường hợp cần kíp, trong suốt quá trình từ khi chuẩn bị mang thai , suốt thai kỳ, sinh em bé hay không.
Bài toán tài chính của vợ chồng bạn khi được xem xét kỹ lưỡng, có tính toán cụ thể và có kế hoạch hay phương án dự phòng, thì khi có con, sự chuẩn bị này sẽ giúp cả hai thêm phần yên tâm hơn.
2. Xem xét về thời gian, công việc và sự nghiệp
Với bất cứ ai đến tuổi trưởng thành, kết hôn và sinh con, thì việc sinh con luôn ảnh hưởng nhất định đến quỹ thời gian, công việc và phát triển sự nghiệp của mình. Đây là điều gần như được xem là mặc định, vì chắc chắn ảnh hưởng của việc có con đến mọi mặt là không thể tránh khỏi dù bạn là ai, đang có cuộc sống như thế nào hay sự nghiệp ra sao.
Để cho việc có con không tạo thêm nhiều áp lực về thời gian hay những đắn đo hoặc những thay đổi cần thiết trong công việc hay sự nghiệp, nhất là phụ nữ, thì nhất thiết cần có kế hoạch cho thời gian, công việc và sự nghiệp ngay từ khi lên kế hoạch có con .
Liên quan đến điều quan trọng này, vợ chồng bạn có thể cùng nhau bàn bạc, đưa ra các kế hoạch phù hợp để vừa bảo đảm cho công việc, sự nghiệp lẫn thời gian sẽ dành ra để chăm sóc nuôi nấng con cái. Sự thống nhất hoặc có các phương án ở bước chuẩn bị, cũng như việc chuẩn bị tài chính, sẽ giảm bớt những áp lực và giúp cho vợ chồng bạn có nhiều thời gian hơn, để chăm sóc con một cách chu đáo. Cũng như, không ai trong hai bạn phải chọn phương án “hy sinh” công việc hoặc sự nghiệp của mình một cách bất ngờ, không có chuẩn bị khi con ra đời.
3. Kiểm tra sức khỏe, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng kỹ lưỡng
Rất nhiều cặp đôi thường tỏ ra e ngại về vấn đề kiểm tra sức khỏe trước khi có con hay chuẩn bị chu đáo khi muốn có con. Thực tế cho thấy, rất nhiều cặp vợ chồng tìm đến bác sỹ chỉ khi họ phải trải qua một thời gian khá dài nhưng không sinh được em bé dù đã cố gắng mọi cách. Sự chậm trễ này có thể sẽ làm giảm đi cơ hội có con của họ.
Việc kiểm tra sức khỏe trước khi lên kế hoạch có con mang lại rất nhiều lợi ích mà khi nhìn rõ, chắc chắn vợ chồng bạn sẽ không thờ ơ hay bỏ qua như:
- Kiểm tra sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản của cả hai vợ chồng có ổn không. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian các bạn phải chờ đợi để thụ thai thành công.
- Trường hợp sức khỏe sinh sản của cả hai gặp cản trở, có thể phát hiện sớm điều trị nhanh.
- Sau kiểm tra sức khỏe, nhất là phụ nữ sẽ biết mình cần phải làm gì hay như thế nào nhằm có sức khỏe ổn định tốt cho việc thụ thai hơn.
- Trong quá trình theo dõi sức khỏe, chị em phụ nữ cũng đồng thời theo dõi kỹ càng chu kỳ kinh nguyệt của mình có diễn ra đều đặn không, chu kỳ dài bao nhiêu ngày, thông qua máu kinh nguyệt có thể phát hiện có bất thường nếu có. Thêm vào đó, theo dõi kỹ còn giúp chị em dự đoán được khoảng thời gian rụng trứng – đây chính là thời gian vàng để thụ thai vô cùng thuận lợi, dễ thành công.
4. Ngưng các biện pháp tránh thai
Sau khi kiểm tra sức khỏe, tùy vào tình trạng sức khỏe thực tế mà vợ chồng bạn có thể chọn thời điểm ngưng các biện pháp trì hoãn việc có con trước đó.
Bạn cũng đừng lo lắng về việc các biện pháp tránh thai ảnh hưởng đến việc thụ thai, mang thai. Vì, theo các chuyên gia, đa phần phụ nữ ở độ tuổi đỉnh cao của sinh sản, sau khi ngưng các biện pháp tránh thai, họ có thể có thai nhanh chóng trong 1 đến 3 tháng. Với phụ nữ đã qua độ tuổi đỉnh cao của sinh sản, thì trong vòng chưa đến một năm sau khi dừng các biện pháp tránh thai, những chị em này cũng thụ thai thành công.
5. Bổ sung acid folic – điều cực kỳ quan trọng trong kế hoạch có con
Chúng ta đều nhận được lời khuyên, phụ nữ cần thiết phải bổ sung acid folic trước khi mang thai ít nhất 1 tháng hoặc nhiều hơn. Vì, acid folic có rất nhiều tác động đến sức khỏe thai kỳ. Nhất là, acid folic có thể giúp ngăn chặn dị tật ống thần kinh ở trẻ. Ống thần kinh của trẻ dễ bị tổn thương nhất ở giai đoạn đầu tiên hình thành trong khoảng thời gian 28 ngày đầu của thai kỳ. Đấy là lý do, bạn nên bổ sung acid folic từ sớm ngay khi bắt đầu có ý định có em bé là tốt nhất.
Trung bình, tùy từng người, mức acid folic cần bổ sung sẽ nằm trong khoảng 400-600mcg mỗi ngày. Ngoài việc dùng thực phẩm giàu acid folic, bạn có thể bổ sung bằng viên uống theo chỉ định của bác sỹ sản khoa khi thăm khám để chuẩn bị cho việc có con.
Tìm hiểu thêm: Robot tinh trùng: Cứu tinh cho các cặp đôi hiếm muộn
6. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Có thể hàng ngày chúng ta duy trì rất nhiều thói quen và thấy chúng không ảnh hưởng gì cho lắm như xem tivi nhiều, nghiện sử dụng laptop và điện thoại, thích ăn thực phẩm giàu chất béo như đồ chiên xào,…Tuy nhiên, khi chuẩn bị có con, sinh con, các thói quen không có lợi cho sức khỏe này đều cần phải được thay đổi. Bởi nếu không, chúng sẽ ảnh hưởng đến tinh binh của chồng và chu kỳ kinh nguyệt lẫn chu kỳ rụng trứng của vợ. Và, những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ thai, lẫn quá trình mang thai.
7. Ngưng hút thuốc
Hút thuốc được các chuyên gia xếp vào top những nguyên nhân khiến nam giới hiếm muộn vô sinh vì hút thuốc có thể khiến tinh trùng bị biến dạng hoặc tỉ lệ sống sót của tinh trùng giảm đi.
Hút thuốc cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến buồng trứng của phụ nữ bị ảnh hưởng, dẫn đến khó thụ thai. Hoặc nếu chị em thụ thai thì với ảnh hưởng của hút thuốc dễ dẫn tới tình trạng sinh non hay thai nhi chịu các tác động về sức khỏe.
Vì thế, nếu vợ chồng bạn có thói quen hút thuốc, khi muốn có em bé thì một trong các bước lên kế hoạch có con bắt buộc phải có bước bỏ hút thuốc này.
8. Ngưng uống rượu và dùng các thực phẩm có chứa caffeine
Cũng mang tại nhiều tác hại như thuốc lá, rượu hay các thực phẩm có chứa nhiều caffeine có thể khiến cho chất lượng lẫn số lượng tinh binh ở nam giới ảnh hưởng. Chúng cũng khiến cho chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng ở phụ nữ dễ bị xáo trộn. Ngoài ra, uống rượu nhiều có thể gây ra một số biến chứng thai kỳ như suy thai hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến em bé về lâu dài, cụ thể là những ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não, chiều cao và cân nặng của bé.
9. Cải thiện chế độ dinh dưỡng
Trước khi có thai, chúng ta có thể không cần áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi muốn có con, thì việc cải thiện chế độ dinh dưỡng với cả hai vợ chồng là điều bắt buộc.
Vợ chồng bạn cần tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh, ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa để duy trì sức khỏe cân nặng. Thực phẩm ngoài tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất nói chung, còn ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và trứng nữa.
Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp chị em phụ nữ có sức khỏe bền lâu, chuẩn bị cho thời gian thai kỳ nhiều thử thách, cũng như khi sinh con và chăm con rất hao tổn sức lực.
10. Không thức khuya
Có lẽ vợ chồng bạn cũng đã có lần nghe được rằng, các nhà hoa học Trung Quốc và Mỹ đã có những nghiên cứu về việc thức khuya ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản thế nào. Kết quả họ chỉ ra, phụ nữ và nam giới đi ngủ sau 0h00 thì khả năng sinh sản của họ có thể giảm đến hơn 40% vì tinh trùng và chu kỳ rụng trứng đều bị ảnh hưởng. Điều này cũng đồng nghĩa, khi vợ chồng bạn thức khuya thường xuyên, cơ hội thụ thai của vợ chồng bạn sẽ giảm vài chục phần trăm.
11. Nói không với stress và tập thể dục đều đặn
11.1. Stress và việc thụ thai
Hẳn là bạn không lạ về tác dụng tiêu cực của stress đối với cuộc sống của chúng ta. Đương nhiên stress cũng ảnh hưởng tương tự đến sức khỏe sinh sản.
Người ta cũng đưa ra những kết luận sau các nghiên cứu về stress rằng, quá trình thụ thai và stress có mối liên hệ khá mật thiết. Stress có thể khiến phụ nữ khó thụ thai, đương nhiên nó cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh con của các quý ông, cụ thể ở việc làm giảm chất lượng của tinh trùng.
Như vậy, nói không với stress cũng là bước vợ chồng bạn cần thực hiện để tăng cơ hội thụ thai thuận lợi.
Để giảm stress, các bạn hãy dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, không suy nghĩ tiêu cực, không để áp lực có con, hay công việc chi phối. Đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn, cùng nhau đi du lịch, tập yoga, dành thời gian thiền tịnh ít phút mỗi ngày chính là các liệu pháp tuyệt vời giúp vợ chồng bạn chống stress hiệu quả.
11.2. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục đều đặn giúp nam giới tăng cường sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe sinh sản.
Với phụ nữ, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp chị em ăn ngon, khỏe bền, chu kỳ rụng trứng ổn định ít xáo trộn, các cơ dẻo dai,..Tất cả đều tạo điều kiện rất tốt cho việc thụ thai và sinh con. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng giúp chị em duy trì cân nặng ổn định và loại bỏ được lượng mỡ thừa đáng kể.
12. Tích cực yêu – lên kế hoạch có con năm 2020 không thể thiếu điều này
Nếu như vợ chồng chuẩn bị chu đáo tất cả mà bỏ qua bước tích cực yêu này thì có khi công tác chuẩn bị dễ đổ sông đổ bể. Tích cực yêu ở đây không chỉ bao hàm về tần suất, mà còn thời điểm yêu, cách yêu để cả hai cùng cảm thấy hạnh phúc, thăng hoa trong đời sống chăn gối. Có như thế cơ hội thụ thai thành công nhanh chóng mới tăng lên.
Theo các nhà nghiên cứu tình dục học, khi thăng hoa, nam giới sẽ xuất nhiều tinh trùng hơn, còn phụ nữ thì sẽ dễ rụng trứng hơn và tinh trùng cũng dễ dàng di chuyển vào tử cung hơn.
>>>>>Xem thêm: Bà bầu uống gì để tăng nước ối mẹ đã biết chưa?
Có thể nói rằng, thực hiện 12 bước trên khi lên kế hoạch có con năm 2020, cơ hội sớm có được một em bé xinh xắn, đáng yêu với vợ chồng bạn hoàn toàn không phải là điều xa vời. Chuyên mục Kế hoạch có con của Blogtretho.edu.vn hy vọng rằng, các cặp đôi sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị tốt nhất những gì có thể, nhằm đón em bé ra đời trong tình yêu thương dạt dào và chu đáo nhất.
Nguồn tham khảo: The Age, CDC, Pregnancy Birth Baby & Verywell Family
Cát Lâm tổng hợp